Hãy trải nghiệm với cù lao Chàm để thấy nơi này thú vị hơn nhiều so với sách vở mô tả.
Cù lao Chàm cách phố cổ Hội An (Quảng Nam) gần 20 hải lý về phía đông. Hòn đảo có cái tên gợi lên rất nhiều về người chủ nhân xa xưa.
Cù lao Chàm từng là thương cảng và ngư trường lớn của vương quốc Chăm-pa từ thế kỷ 15, nằm trên con đường tơ lụa, hương liệu và gốm sứ quốc tế, gắn với thời kỳ cực thịnh của kinh đô Trà Kiệu, vương quốc của người Chăm.
Kể từ năm 2009, khi được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, cù lao Chàm nhanh chóng trở thành một địa danh du lịch biển nổi tiếng của miền Trung. Sức hấp dẫn của cù lao Chàm không chỉ là cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, non nước hữu tình, không khí mát mẻ trong lành, mà còn ở sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú.
Cù Lao Chàm nhìn từ trên cao.
Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ nên thơ của núi rừng và biển xanh, vẻ đẹp của hệ sinh thái dưới nước và trên cạn, cù lao Chàm còn mang vẻ đẹp trầm tĩnh với những di sản văn hóa - lịch sử lâu đời. Những di tích như chùa Hải Tạng, giếng Chăm xóm Cấm, miếu tổ nghề yến, lăng Thành Hoàng… là những lát cắt lịch sử văn hóa, minh chứng cho sự hưng thịnh của người Chăm và người Việt cổ cách đây hàng nghìn năm. Trong số đó, 7 di tích được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2007.
Hãy trải nghiệm với Cù lao Chàm để thấy nơi này thú vị, mê hoặc hơn nghìn lần trên sách vở mô tả.
Cảm giác lạ thú vị đầu tiên là hải trình vượt sóng. Từ Cửa Đại (Hội An) đến cù lao Chàm, đi tàu gỗ mất 2 tiếng đồng hồ, nhưng đi bằng tàu canô chỉ khoảng 25 phút. Tốc độ tàu chạy trên 80 km/h. Tất cả hành khách đều mặc áo phao.
Canô vun vút, băng băng lướt sóng, tiếng động cơ giòn giã rú lên như tiếng xe môtô đua đang tăng tốc lao về phía trước. Mỗi khi qua đợt sóng lớn, tàu tròng trành, lúc chao lượn, hết nghiêng trái, nghiêng phải lại nghiêng trước, nghiêng sau. Có lúc nó vọt lên khỏi mặt biển, bọt nước hắt tung, văng vào trong tàu.
Những người thích cảm giác mạnh thì tha hồ khoái chí, hò hét náo nhiệt. Người “yếu vía”, nhất là phụ nữ thì mặt xanh lơ xanh lét, cắt không ra giọt máu vì sợ, dù được người hướng dẫn trấn an trước khi lên tàu.
Cảnh bên phà cù lao Chàm.
Theo chân người hướng dẫn viên du lịch địa phương, chúng tôi đến khu bảo tồn sinh vật biển cù lao Chàm. Thực ra, gọi là phòng trưng bày hải sản thì chính xác hơn. Phòng trưng bày có diện tích khá khiêm tốn, gồm các loại tôm, cua, cá, mực, rùa, hải sâm, ốc, bào ngư… cùng các mảnh gốm, sứ, đồ cổ mà các nhà khảo cổ học khai quật được ở đây.
Đến xóm Cấm, bạn sẽ được giới thiệu giếng Chăm, giếng cổ bên đường đi nhỏ hẹp, nước giếng rất mát và trong. Giếng Chăm được xây bằng gạch thẻ, lòng giếng có 2 tầng, tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Yoni (sinh thực khí nữ), tầng trên hình tròn, tượng trưng cho Linga (sinh thực khí nam).
Xưa kia, đây là chiếc giếng nước ngọt duy nhất trên đảo. Nay người dân có thêm nhiều giếng khoan, có nước ngọt nhưng bị phèn, phải lọc mới dùng được. Gần đây, đảo có hệ thống nước tự chảy, được dẫn từ các suối trên núi xuống, đủ dùng quanh năm.
Đi qua khu đồng đầy hoa lục bình tím, theo lối mòn hẹp, có đôi chỗ xăm xắp nước là đến chùa Hải Tạng. Chùa được xây dựng năm 1758, tọa lạc sát chân núi phía tây của đảo Hòn Lao, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra khu đồng.
Hiện tại chùa không có sư trụ trì mà chỉ có một cặp vợ chồng già trông nom hương khói. Ngôi chùa quy mô vừa phải, khung gỗ, lợp ngói âm dương như nhiều ngôi chùa cổ khác ở Hội An. Chùa thờ Phật kết hợp thờ các thánh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng “tam giáo đồng nguyên” của cư dân bản địa và khách thập phương đến giao thương buôn bán một thời ở đảo này.
Bãi Chồng là bãi biển đẹp nhất. Bãi cát tuy hẹp nhưng dài, có những hàng dừa xanh, thẳng tắp, rất mát mẻ. Bãi tắm này rất sạch, không rác rưởi, túi nilon. Đến cù lao Chàm, từ năm 2009, du khách không được mang theo túi nilon, để bảo vệ môi trường sinh thái.
Rất thú vị nếu du khách thuê xe máy đi “phượt” ở Cù lao Chàm. Những con đường ngoằn nghoèo, khi qua làng, khi men theo bờ biển, khi lên núi. Lên những dốc núi cao, bạn có thể thưởng lãm những bãi cát trắng, eo biển xanh trong, những cù lao núi đồi xanh ngăn ngắt.
Đến đảo Hòn Dài, Hòn Bà, Đảo Yến, ta tận mắt ngắm nhìn và cảm nhận vẻ đẹp tuyệt vời của những rặng san hô. Bạn sẽ được trang bị áo phao, kính lặn, ổng thở, hoặc bằng bằng tàu, thúng đáy kính để ngắm san hô. Thích mạo hiểm hơn, bạn có thể tham gia môn lặn dưới đáy biển để thấy thật gần những rặng san hô lóng lánh màu sắc cùng các sinh vật biển dưới làn nước trong vắt của đại dương.
Sẽ không hiểu hết cù lao Chàm nếu không vào Bãi Làng để trải nghiệm cùng ngư dân về cuộc sống bám biển. Khu Bãi Làng là khu dân cư lâu đời nhất trên đảo, biểu hiện sức sống mãnh liệt, trải qua một quá trình đấu tranh sinh tồn của người dân biển đảo trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Những khóm nhà thưa thớt cách đây khoảng 10-15 năm trên đảo nay không còn, thay vào đó là các nhà lưu trú (home stay) của dân địa phương làm dịch vụ ăn ở cho du khách.
Cù lao Chàm không có các khách sạn, nhà nghỉ lớn như trong đất liền. Nhà nhà làm dịch vụ “home stay”, sống cùng du khách. Có điều, sự đông đúc, tấp nập ấy không làm mất đi sự bình yên, mộc mạc của đất đảo, cũng như sự chân tình, nồng hậu, hiếu khách của người dân nơi đây.
Nếu có một chuyến đi dài ngày ở cù lao Chàm, du khách có thể “học làm ngư dân” với những công việc như câu mực, đánh cá, bắt cua, ốc, ghẹ hay chèo thuyền, nhổ rong biển, đi rừng cùng ngư dân. Những ai ra khơi được, có thể đi biển cùng ngư dân để thưởng thức những hải sản tươi roi rói vừa đánh bắt xong ngay trên thuyền. Hoặc cũng thú vị không kém, khi ánh bình minh buông những tia nắng đầu tiên trên biển, bạn có thể cùng ngư dân cập bến thuyền cá ở âu thuyền, phụ giúp ngư dân bưng những thúng cá tươi óng ánh lên bờ.
Hải sản tươi sống được bày bán ở bến thuyền, chợ hải sản và nhiều nơi trên đường làng với cá mó, cá chình, hải sâm, mực nang, ốc tượng, ốc đá, ốc giác, ốc gai, ốc vú nàng, cua đá, cua huỳnh đế, nhum biển, hàu, tôm biển, sò, bào ngư… Giá hải sản ở đây khá đắt, gấp đôi, gấp ba ở đất liền.
Hải sản được bày bán ở cù lao Chàm.
Bữa cơm trên đảo ngoài hải sản không thể thiếu những món rong biển hoặc rau rừng tươi ngon, thanh khiết mọc hoang ở các chân núi, chúng khá nhiều về chủng loại như rau dớn, rau sân, rau lủi, mã đề…
Nước uống thay chè là những thứ “lá mồng năm” mà người dân đảo nấu uống hàng ngày, là sâm núi, hà thủ ô, lá và thân cây dũ dẻ, lá huỳnh đàn, chè dung, nở ngày đất, ngũ gia bì, quả dứa rừng… Những vị thuốc nam này có công dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ gan, bổ thận, an thần, cải thiện tiêu hóa…
Hiện nay, 40% người dân Cù lao Chàm làm nghề biển, còn lại làm dịch vụ du lịch, buôn bán, một số vào đất liền làm ăn. Xã đảo này đến nay vẫn chưa có mạng điện lưới quốc gia, người dân dùng điện từ máy phát điện chạy dầu của nhà nước, được trợ giá bằng giá điện đất liền. Buổi trưa có điện từ 11-14h; buổi tối từ 17-22h. Riêng các ngày lễ, điện kéo dài đến 3h. Dự kiến đến tháng 9 năm nay, khi hệ thống dây cáp được kéo xong, toàn xã đảo sẽ có điện như đất liền.
Vào dịp nghỉ lễ, mỗi ngày Cù Lao Chàm đón hàng mấy nghìn lượt khách gây không ít áp lực cho cơ sở hạ tầng và môi trường cảnh quang, hệ sinh thái của đảo.
Ai đã đến với Cù lao Chàm mà chưa được thả mình trên chiếc ghế xếp hoặc cánh võng ban trưa dưới tán dừa mát rượi, gió từ biển thổi vào lồng lộng thì hơi tiếc. Bạn sẽ được nhìn ra biển trong xanh, những chiếc canô đưa du khách tỏa đi các đảo, những chiếc dù lượn màu cam treo lơ lững trên không, dưới là nền biển xanh màu ngọc bích, hoặc chìm trong giấc ngủ mơn man với điệu ru vỗ về của sóng.
Đêm về, ra bãi biển ngắm trăng, ngồi bên nhau nướng cá, mực khô, lai rai vài ngụm rượu, hát cho nhau nghe bên tiếng guitar xập xình.